Category Archives: Ẩm thực

Chè tôm (lường xà) Món ăn độc lạ mà ngon tại Lạng Sơn

Chè tôm (tiếng tày gọi là lường xà) là món chè khá phổ biến tại những phiên chợ vùng cao tại vùng đất đông bắc nhất là 2 tỉnh Lạng Sơn và Cao bằng. Có lẽ món ăn này xuất xứ từ Trung Hoa nhưng khi du nhập vào Việt Nam và qua bàn tay khéo léo của người dân nơi đây món ăn được chế biến để hợp với khẩu vị và khí hậu tại nơi đây.

Đây là món ăn có công dụng bồi bổ, dưỡng nhan. Vì vậy, đây là món ăn đặc biệt tốt cho phụ nữ. Ngoài ra, chè tôm lạnh còn có tác dụng nhuận trường, hạ huyết áp, điều hòa thân nhiệt. Dù trẻ con, người già đều có thể ăn được chè tôm lạnh nhưng do hoa hòe có tính bình nên người bụng dạ yếu, đang nhiễm lạnh thì không nên ăn.
Vậy chè tôm được chế biến như thế nào, hãy cùng tìm hiểu nhé.

 

Chè tôm là gì?
Chè tôm là gì?

Cách chế biến chè tôm

Chuẩn bị nguyên liệu:

– Gạo tẻ
– Hoa hòe
– Dầu chuối

Cách thực hiện:

Rửa sạch hoa hòe và vò kĩ gạo bằng nước sạch.  Gạo tẻ bạn nên vò kĩ và ngâm trong nước ấm khi xay xát cho bột mịn. Sau đó trộn hoa hòe và gạo theo tỉ lệ nhất định để tránh khi làm chè hoa hòe quá nhiều chè sẽ bị đắng. Khi ngâm gạo và hoa đủ thời gian sẽ đem đi xát hỗn hợp này thành bột, ngày xưa chưa có máy chạy bằng điện họ thường xay bằng cối xay đá để bột mịn.

Sau khi đã xay bột họ sẽ cho vào nồi để chuẩn bị khuấy thành một hỗn hợp đặc sền sệt, khi khuấy phải thật đều tay để không bị cháy hoặc vón cục. Hỗn hợp này sẽ để nguội và chuẩn bị khuôn, một chậu nước đun sôi để nguội, khuôn sẽ được bắc trên chậu nước, cho hỗn hợp bột vào khuôn vào bắt đầu ép hỗn hợp bột xuống, khi gặp nước thì sẽ tạo thành các sợi chè nhỏ hình dáng như con tôm.

Thưởng thức chè:

Thưởng thức chè tôm
Thưởng thức chè tôm

Thường thì chè có để được thời gian khoảng 2 ngày thậm chí lâu hơn nếu để trong tủ lạnh. Nếu bạn muốn ăn chè đậm hay nhạt sẽ tùy cách bạn điều chỉnh lượng đường, cho thêm 1 ít dầu chuối để tạo độ thơm, vài viên đá vậy là bạn đã có một cốc chè mát lạnh để giải nhiệt trong mùa hè rồi.

Vào những ngày chợ phiên, bà con nơi đây khi có dịp gặp nhau họ sẽ mời nhau vào quán chè gọi cốc chè tôm cùng nhau giải khát cái nóng của mùa hè, tâm sự cho nhau nghe những điều diễn ra trong cuộc sống của họ.

Chè tôm lạnh giải nhiệt mùa hè

 

Cách ngâm, Cách làm măng ớt Lạng Sơn ngon như người bản xứ làm

Măng ớt lạng sơn

Măng ớt Lạng Sơn là một món ăn ngon có tiếng vùng miền sơn cước mà bất cứ du khách nào đã đặt chân đến hay chưa từng đặt chân đến nơi đây cũng đều biết đến món ăn hấp dẫn này.

Măng ớt là một món ăn thơm ngon, dinh dưỡng được nhiều người yêu thích. Món ăn này xuất hiện thường xuyên trong bữa ăn của các gia đình Việt, tại các quán ăn. Người ta dùng măng ngâm tỏi ớt để ăn cùng lẩu, bún, phở hoặc mỳ, nước chấm, các món canh… măng ớt mang đến một hương vị đậm đà tinh tế cho người ăn với những vị cay của ớt, chua, ngọt của giấm đường và vị đắng của măng hoà quyện với nhau.

Măng ớt giòn tạo cho người ăn một cảm giác thật dễ chịu, mùi thơm của măng, vị cay nồng của ớt và hương thơm thoang thoảng, ngọt ngào của móc mật. Vào những ngày trời mưa, lạnh, bữa cơm, bát phở có thêm vài lát măng ớt, cái lạnh sẽ tự dưng biến mất, trong người dâng lên một cảm giác bừng bừng, phấn chấn. Vậy món ăn này có điểm gì đặc biệt và cách làm măng ớt Lạng Sơn ra sao chúng ta cùng tìm hiểu nhé.

Video hình ảnh măng ớt Lạng Sơn

 

Nguyên liệu chuẩn bị để làm măng ớt Lạng Sơn

  • Măng củ tươi: 1kg
  • Ớt tươi: 100g
  • Tỏi: 100g
  • Dấm gạo: 300ml
  • Quả tắc mật
  • Gia vị: Đường, muối, bột ngọt

Cách làm món măng ớt ngon và chuẩn

Cách thực hiện món ăn này rất đơn giản: Chọn măng thon nhỏ bằng ngón tay mọc thành từng bụi. Không giống như muối cà, muối dưa, cây măng đem về bóc vỏ, dùng khăn ấm lau sạch, nếu để măng ướt, măng sẽ bị thâm. Sau đó ngâm măng ở trong chum, trước kia khi chưa có điều kiện, họ còn ủ măng trong các ống bương chặt trong rừng. Cứ một lượt măng lại được rắc một lượt ớt tươi trộn với muối.

Nếu muốn gia tăng vị cay, có thể giã nhuyễn ớt ra để ủ cùng măng. Thông thường với người dân xứ Lạng khi muối măng thường thêm vài quả móc mật thả lẫn vào lọ măng ớt để tăng thêm độ giòn thơm của măng. Móc mật là loại quả chỉ mọc trên vùng núi đá phía bắc và cũng rất khó tìm. Sau vài ngày ngâm, mở lọ măng ra, thấy sộc lên mùi thơm của măng, vị cay nồng của ớt và hương thơm thoang thoảng, ngọt ngào của móc mật.

Măng được ngâm trong dung dịch muối lâu ngày trắng hồng, nõn nà rất bắt mắt. Cắn một miếng măng đầu lưỡi chạm ngay vào vị chua chua, cay cay, mùi thơm rất đặc trưng.

Bí quyết ngâm măng ớt Lạng Sơn không bị thâm

Măng ớt Lạng sơn giá bao nhiêu

Măng ớt Lạng sơn giá bao nhiêu?  Măng ớt Lạng sơn mua ở đâu? đây chắc là câu hỏi của nhiều khách hàng khi muốn mua măng ớt Lạng Sơn về làm quà, Cũng như để thưởng thức. Hiện nay giá 1 lọ măng ớt lạng sơn giao động từ 25k – 35k/ lọ bạn có thể mua măng ớt Lạng Sơn tại các địa điểm Bán măng ớt Lạng Sơn uy tín tại Lạng Sơn hoặc huyện Hữu Lũng các trạm nghỉ chân bên cạnh đường quốc lộ 1A bán rất nhiều.

Măng ớt thường được dùng cho vào nước chấm hay ăn kèm với những món ăn chóng ngấy. Xưa kia, những nhà nghèo thì ăn măng ớt với cơm gạo, có thể ăn dăm bảy bát mà không cần thịt cá. Nhà khá giả thì ăn măng ớt với các món cao lương mỹ vị khác. Bữa nào không có măng ớt ăn thì thấy nhạt mồm nhạt miệng, ăn không thấy ngon. Măng ớt trở thành món quà quý giá, vừa quen thuộc mà vùng cao xứ Lạng ban thưởng cho du khách thập phương.

Bánh cao sằng Lạng Sơn đặc sản ngon của xứ Lạng

Trong kí ức của những người con xa xứ món ăn của quê hương là để nhớ về hương vị quê nhà, bầu trời kỉ niệm tuổi thơ.. còn với du khách thập phương khi thưởng thức món ăn tại vùng đất sản sinh ra món ăn đó họ sẽ như cảm nhận được tấm lòng mến khách của người dân tại nơi người du khách sẽ đặt chân đến để khám phá.

Xứ Lạng là vùng đất được người dân cả nước công nhận là địa danh có nhiều đầu bếp với bàn tay tài hoa tạo ra rất nhiều món ăn nức tiếng gắn liền với địa danh nơi đây.

Món bánh cao sằng là món ăn giản dị, dễ chế biến nhưng mang đậm vị khi bạn ăn một lần chắc chắn bạn sẽ không thể nào quên, hương vị đậm đà như tấm lòng của người dân Xứ Lạng thật thà, mến khách, hồn hậu…

Đây cũng là một món ăn thú vị và hấp dẫn, mang đầy đủ tinh hoa của sự kết hợp giữa ẩm thực Trung Hoa và ẩm thực Việt Nam. Vậy món ăn này được chế biến như thế nào chúng ta cùng đi tìm hiểu nhé.

Đặc sản bánh cao sằng Lạng Sơn
Đặc sản bánh cao sằng Lạng Sơn

Nguyên liệu làm món bánh cao sằng xứ Lạng

  • Để làm món bánh cao sằng  này đầu tiên là phải chọn loại gạo tẻ hạt đều đem ngâm nước
  • Khi ngâm cho thêm một ít gạo nếp vào để tạo độ kết dính của bánh.
  • Thịt lợn, hành củ, gia vị…

Cách làm món bánh cao sằng xứ Lạng

Gạo ngâm xong rồi đem cắt thành bột mịn, cho thêm ít bột lọc để tạo độ trong cho bánh.

Tiếp đó cho ít nuớc vào nhào bột cho nhuyễn, không được để bột quá nhão.

Sau đó đổ bột vào khuôn, dàn đều cho mỏng và đem hấp cách thủy cho chín, khi bánh gần chín thì rưới nước thịt kho ,nước dừa đặc lên trên để tạo vị béo ngậy.

Thường gạo để làm bánh cao sằng thường được các gia đình chuẩn bị sẵn từ trước Tết. Đó là loại gạo tẻ ngon, vừa trắng vừa thơm. Gạo này nấu cơm thì dẻo mà làm bánh thì mượt.

Gạo được ngâm qua đêm cho mọng nước, vo đãi sạch rồi đem xay trong cối đá thành một thứ bột nước sền sệt. Bớt ra một phần, pha thêm nước lã cho bột loãng ra rồi đem đun sôi, khuấy cho tới khi bột gần chín.

Bột này lại được hòa với phần bột sống kia thành thứ bột dở sống dở chín, đặc sánh. Phải pha chế cho bột dở sống dở chín như vậy là để khi hấp bánh không bở, nát. Nêm thêm một chút muối, mì chính cho có vị. Thế là đã chuẩn bị xong bột bánh.

Cao sằng cũng có nhân. Thịt lợn vai băm nhỏ, ướp gia vị vừa ăn. Hành củ xắt nhuyễn, phi thơm rồi cho thịt vào xào. Xào cho thịt săn lại, thơm nức mùi hành mỡ là được. Khâu hấp bánh thì cầu kỳ hơn một chút, bởi bánh phải hấp làm ba lần.

Khuôn bánh là chiếc khay nhôm sâu lòng, to chừng cái mâm nhỏ. Đổ vào khuôn một lớp bột dày chừng đốt ngón tay, đem hấp cách thủy. Chừng mươi phút bánh chính, lại múc bột đổ thêm vào khay một lớp nữa rồi hấp tiếp. Bánh vừa chín tới thì thêm vào lớp bột thứ ba, mỏng hơn, lại hấp cho đến chín. Lớp bột thứ ba này có trộn nhân thịt băm, chế thêm chút xì dầu (nước tương) cho có màu.

Lớp bột này vừa là nhân bánh vừa là áo bánh, trên mặt rắc thêm ít thịt băm nữa chút lạc rang giã giập, ít hành lá thái nhỏ. Sở dĩ phải hấp bánh thành từng lớp như vậy vì bánh khá dày, hấp một lần sẽ không chín đều.

Bánh chín, mở vung nồi hấp ra, một làn khói mỏng như sương mai buổi sớm cùng mùi hành mỡ, mùi bột chín thơm tỏa ngào ngạt. Bánh trong khay được cắt thành từng miếng hình chữ nhật. Dưới vết cắt của con dao mỏng sắc như nước hiện ra màu bánh trắng ngần, tinh khiết, mịn màng như thạch.

Nhìn kỹ bánh có ba lớp. Các lớp bánh kết dính với nhau làm một (vì thế bánh được gọi là cao sằng – bánh có nhiều tầng, lớp). Lớp trên cùng là mặt bánh, nổi bật trên đó là màu sậm của lớp thịt băm nâu đỏ, óng ánh hành mỡ. Chỉ mới nhìn thôi đã phát thèm.

Cao sằng được ăn cùng… nước canh. Nước canh được nấu từ xương heo các loại nhưng bao giờ cũng phải có đôi xương ống. Xương ninh kỹ, vớt cho hết bọt. Bát nước dùng trong veo, rắc loáng thoáng ít hành hoa, mùi tàu thái nhỏ. Chỉ vậy thôi nhưng vị thật đậm đà.

Review Bánh cao sằng Lạng Sơn

Thưởng thức món bánh cao sằng Lạng Sơn

Bánh cao sằng chín có màu mật ong trong suốt, mềm, dẻo, dai là đạt yêu cầu, rắc lên mặt trên của bánh một lớp lạc rang đã giã, không nên giã quá nhỏ. Đợi bánh nguội thì cắt thành từng miếng hình chữ nhật bé như bao diêm, ăn kèm với nước chấm. Bánh xếp ra đĩa, người ăn xắn bánh thành miếng nhỏ cho vào bát canh.

Miếng bánh mềm, vừa dẻo vừa dai, có vị bùi của bột gạo lật sật nhân thịt băm, thơm ngậy mùi hành mỡ. Nước canh nóng hôi hổi. Sẽ tùy theo khẩu vị của từng người sẽ có người ăn bánh với canh, còn sẽ có người ăn kèm cùng măng ớt.

Nếu đến Lạng Sơn đừng quên thưởng thức món ăn này bạn nhé.

Phở chua Lạng Sơn – Đặc sản phở chua xứ lạng không nên bỏ qua

Phở chua lạng sơn

Lạng Sơn là mảnh đất không chỉ nổi tiếng bởi những di tích lịch sử, địa danh nổi tiếng, văn hóa, truyền thống độc đáo của đồng bào thiểu số sinh sống tại nơi đây. Mảnh đất  biên cương Xứ Lạng này còn nổi tiếng bởi những món ăn ngon, đậm đà, mang bản sắc riêng không thể lẫn vào đâu được.

Lâu nay ngoài những di sản tinh thần quý báu đóng góp cho nền văn hóa phong phú cho dân tộc Việt Nam thì  tại nơi đây thì món này đã trở thành niềm tự hào, là thứ đặc sản ngon nức tiếng theo chân người xứ Lạng đi khắp nơi trên đất nước, trên khắp châu Lục. Những món ăn nức tiếng lâu nay như lợn quay, vịt quay, khau nhục..v..v.. Khi đến Xứ Lạng chắc chắn bạn không thể món ăn dân dã và đậm vị: phở chua Lạng Sơn.

Phở chua lạng sơn
Phở chua lạng sơn

Ý nghĩa Lịch sử món phở chua Lạng Sơn

Chẳng ai biết chính xác món đặc sản phở chua Lạng Sơn có từ khi nào, ra đời ra sao. Có người nói rằng nó có nguồn gốc từ Trung Quốc. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng phở chua chính là một “khúc biến tấu” độc đáo từ món phở nổi tiếng của Hà Nội hay Nam Định. Thế nhưng, dù xuất xứ của nó có như thế nào đi chăng nữa thì suốt bao năm qua, phở chua vẫn là một món ăn với hương vị tuyệt vời, đã làm say lòng biết bao thực khách và trở thành một niềm tự hào của mỗi người dân xứ Lạng.

Cách chế biến phở chua Lạng Sơn

Phở chua Lạng Sơn được chế biến khá cầu kỳ, là món ăn lạ tai, lạ mắt và khi thưởng thức thì lạ miệng với thực khách đường xa. Món ăn có vị giòn, bùi của khoai, lạc đi kèm cảm giác ngầy ngậy từ thịt xá xíu kết hợp với ớt cay, dưa chuột man mát.

Nguyên liệu chính gồm bánh phở, khoai lang, thịt xá xíu, xúng xàng, gan lợn, thịt gà xé, hành phi, khoai môn, lạc rang, hành khô, dưa chuột, lạp sườn…Công đoạn sơ chế cũng cầu kỳ qua nhiều bước.

Trước hết lạc rang giã dập, các loại rau thơm, hành khô, dưa chuột và lạp xưởng thái mỏng. Thịt lợn nạc được thái to bản, dày chừng 5 cm và tẩm ướp với dầu hào, đường, tạo màu bằng hạt điều rồi đem luộc sơ qua, sau đó để ráo và cuối cùng là rán, thái nhỏ lát dài. Khoai môn hoặc khoai lang xắt sợi chỉ, chiên giòn trong dầu già.

Khi nguyên liệu đã sơ chế xong, người làm xếp lần lượt một lớp bánh phở (mùa đông bánh phở được nhúng qua nước sôi cho nóng) sau đó đến xá xíu, dưa chuột và lạc rang, khoai lang chiên, hành khô lên trên. Tùy khẩu vị, thực khách có thể thêm chút chanh tươi, ớt hay tiêu.

Một yếu tố nữa vô cùng quan trọng, góp phần không nhỏ làm nên sự thành công của món đặc sản phở chua Lạng Sơn đó là phần nước sốt. Để làm nước sốt ngon, đầu tiên phải phi thơm hành tỏi cùng với mỡ, đường, nước mắm, gừng. Tiếp đến, người ta sẽ cho thêm bột năng vào để nước dùng được cô sánh lại. Thành phần quan trọng nhất của nước sốt đó chính là dấm đường. Đây là một loại dấm được làm theo công thức vô cùng đặc biệt, chỉ riêng vùng đất Lạng Sơn mới có.

Review quán phở chua ngon nhất Lạng Sơn

Khi ăn, thực khách sẽ tự chan hoặc trộn cùng nước dùng để cảm nhận rõ vị ngậy của mỡ vịt và thơm phức nhờ những gia vị đặc trưng. Tuy nhiên, cần phải khéo léo trộn lượng nước dùng vừa đủ sao cho nguyên liệu không bị nát mà gia vị vẫn thấm đều.

Không chỉ là sản vật để những người con xa quê nhớ về, phở chua còn được xem như món quà thết khách của quê hương Lạng Sơn, góp phần làm phong phú kho tàng ẩm thực dân tộc Việt.

Cóong Phù- Món ăn nhất định không thể bỏ qua khi đến Xứ Lạng

Cóong phù Lạng Sơn

Nếu bạn đã đến Xứ Lạng vào những ngày mùa đông chắc chắn tin rằng bạn sẽ không thể quên được cái lạnh buốt của mảnh đất này. Nhưng bù lại những ngày mùa đông lạnh giá tại đây người dân xứ Lạng sẽ giúp bạn sưởi ấm bằng những món ăn ẩm thực đặt biệt vào mùa đông.
Đặc biệt là món là COÓNG PHÙ, Mỗi miếng bánh coóng phù là sự kết hợp hài hòa của vị cay nồng của gừng, vị ngọt ngào của nước đường được làm thủ công từ mía và vị dẻo thơm mềm mại của gạo nếp trong từng viên bánh.

Ý Nghĩa, Nguồn gốc của bánh Cóong phù

Món ăn này có cái tên khá lạ tai nhưng coóng phù khá giống với món bánh trôi nước của người miền xuôi. Loại bánh này có nguồn gốc từ cộng đồng người Tày tại Lạng Sơn. Cách làm coóng phù cũng tương tự như bánh trôi. Tuy nhiên khác với bánh trôi nước truyền thống ở chỗ là món Coóng phù xứ Lạng thường được thêm một số nguyên liệu để phù hợp với khẩu vị cũng như thời tiết ở vùng núi lạnh xứ Lạng.

Coong phù xứ lạng
Cóong phù xứ lạng

Nguyên liệu và cách làm Cóong phù

Người ta dùng gạo nếp xay thành bột nước, sau khi công đoạn xay sẽ cho bột bánh vào túi vải đã giặt sạch, sau đó treo túi bột lên để ráo nước tự nhiên hoặc dung cối xe đá để đặt lên túi bột bánh, thường sẽ mất một đêm để bột khô lại, sau đó đổ bột bánh vào chậu nhôm đã khô và nhào cho dẻo . Đặc biệt, bột càng lọc kỹ, bánh càng dẻo dai, không vỡ nát lúc sôi lửa.

Việc nặn bánh cũng lắm công phu. Từng viên tròn đều tăm tắp, to cỡ viên bánh trôi. Mỗi viên được ấn dẹt phần đầu, chấm thêm chút vừng lên trên, rồi đặt ngay ngắn trong khay. Nếu như nhân bánh trôi của người dưới xuôi sẽ dùng đường phên đỏ, thì bên trong mỗi viên coóng phù là đỗ xanh xay nhuyễn trộn cùng đường cát tinh khiết. Ngoài những viên coóng phù màu trắng, người ta còn trộn thêm gấc chín để tạo sắc đỏ cam hấp dẫn.

Cóong phù Lạng Sơn
Cóong phù Lạng Sơn

Để phù hợp với thời se se lạnh nơi núi cao thì người dân tộc Tày, Nùng ở đây đã điểm tô cho món ăn này những nguyên liệu tuy rẻ nhưng lại rất thích hợp với mùi vị món ăn cũng như không khí se lạnh của thời tiết. Chẳng những có thể trang trí cho món ăn thêm đẹp mà những nguyên liệu này còn có thể tăng thêm một tầng hương vị cho món ăn này. Những viên bánh tròn tròn thơm dẻo hòa quyện cùng với vị vay cay, ấm nóng của gừng, vị bùi bùi của lạc rang cùng với một ít dừa cắt sợi đã tạo nên một tô Coóng phù thơm ngon, hấp dẫn. Phần nước dùng cho món này cũng vô cùng quan trọng nhưng lại không khó để chế biến. Chỉ cần cho thêm ít đường tùy khẩu vị từng người cùng với vài lát gừng thơm sau đó đun sôi là bạn đã có thể có ngay một nồi nước dùng ngon lành rồi.

Nếu bạn ra ngoài quán ăn thì khi có khách vào ăn, người bán mới bắt đầu thả những viên bánh vào nồi nước đường mật. Lửa được giữ ở mức liu riu cho tới khi nước sủi tăm, bánh nổi lên trên, tỏa hương thơm của gừng và nếp mới, cũng là lúc coóng phù chín tới. Người bán múc từng viên đỏ trắng xen kẽ ra bát, chan thêm nước đường, chút dừa nạo rắc lên, kèm theo lạc rang và tinh dầu chuối là thực khách có thể thưởng thức.

Lẫn trong màu nước sệt quánh của mật đường là những viên coóng phù xinh xắn cam đỏ – trắng xen nhau, nổi bật cùng chút lạc vàng ruộm, trắng mởn của dừa. Miếng coóng phù dẻo dai đượm vị, hòa cùng chút ngọt mát của mật, hương thơm ấm xực từ gừng tươi, lẫn nhân đậu xanh béo ngậy, quyện đường, tạo nên sức hút kỳ lạ. Miếng bánh trôi xuống cổ, vị nồng ấm cũng lan tỏa khắp cơ thể, khiến cái rét sắc của vùng miền núi như trôi tuột từ khi nào.
Có lẽ với mỗi người dân Lạng Sơn, món đã trở thành món ăn quen thuộc và cũng là một món đặc sản mỗi độ thu đến, đông về, không thể không kể tên trong danh sách các loại món ăn nổi danh Xứ Lạng. Vào những ngày lạnh, thưởng thức hương vị ngọt ngào, ấm cúng, bạn sẽ không thể nào không si mê món ăn cũng như con người nơi đây.

Sẽ thật đáng tiếc và thiếu sót nếu có dịp về với xứ Lạng mà lỡ mất thứ quà chỉ xuất hiện trong ngày đông.

Bánh cười (Pẻng Khua) – Tìm hiểu cách làm Bánh Phồng xứ lạng

Bánh cười (pẻng khua) Lạng Sơn

Nếu ai có dịp thưởng thức qua bánh phồng hay gọi là bánh cười ( pẻng khua) tại Lạng Sơn, chắc chắn sẽ không bao giờ quên được mùi hương của bánh là mùi của gạo nếp quyện với mùi ngọt dịu của đường phên.

Những chiếc bánh cười sau khi rán căng phồng, vàng ruộm, độ ngọt vừa phải bên trong không bị rỗng mà có mạng xốp như xơ mướp, chỉ ăn một miếng đã thấy vô cùng hấp dẫn.

Bánh phồng thường được làm vào những tháng cuối năm như một món quà Tết ý nghĩa của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn nói riêng và vùng Đông Bắc nói chung.

Bánh cười (pẻng khua) Lạng Sơn
Bánh cười (pẻng khua) Lạng Sơn

Mỗi dịp tết đến xuân về, quanh quầy quanh bếp lửa giữa mùa đông lạnh giá, các bà các mẹ với bàn tay khéo léo thêm  lũ trẻ nhỏ sẽ bắt đầu chao bánh, ra những mẻ bánh nhìn thích mắt để cúng bàn thờ tổ tiên và như thứ quà mời khách.

Vậy những chiếc bánh cười (pẻng khua) này đã làm như thế nào? Chúng ta cùng đi tìm hiểu nhé.

Nguyên liệu làm bánh phồng Lạng Sơn

  • Gạo nếp (nếp cái hoa vàng)
  • Tro của cây rừng (thường là cây Trà Dù hoặc các loại tro từ các cây khác, nhưng tuyệt đối phải tro sạch không trộn lẫn đất, cát..)
  • Bột khoai môn.

Bí quyết làm món pẻng khua Lạng Sơn

Nhưng để cho chiếc bánh được phồng xốp thì gạo lại phải ngâm với nước tro của cây trà dù – một loại cây mọc trên rừng giờ được nhiều người mang về trồng ở nhà để tiện thu hái. Gạo được ngâm qua một đêm, vớt lên để ráo nước và đem đồ thành xôi. Xôi chín được đổ ra cối giã nhuyễn đến khi dẻo, mượt như bánh dày thì đổ khoai môn đã luộc chín, thái nhỏ vào giã đến khi thật nhuyễn và đều.Theo kinh nghiệm của bà con người Tày thì phải giã đến khi nào khối bột đạt độ dai, dính vào chày, nhấc chày, kéo dài lên mà bột không bị đứt thì mới đạt.

Cách làm bánh cười xứ lạng
Cách làm bánh cười xứ lạng

Người làm bánh phải giã thủ công thật mịn nếp, sau đó cho một bát rượu trắng pha khoai môn xay vào giã tiếp để tạo độ phồng cho bánh. Bột bánh giã xong, đổ ra nong cán thật mỏng và cắt thành miếng nhỏ bằng hai đốt ngón tay chập lại rồi phơi bánh trong râm. Nhiều người thắc mắc sao không phơi bánh ngoài trời nắng cho nhanh khô, nhưng phơi bánh dưới nắng già bánh dễ bị nứt, phơi trong bóng râm cho bánh khô dần rồi đem bỏ vào chum sạch để bảo quản.

Mỗi mẻ bánh phải phơi 3 nắng mới đủ khô. Khi chế biến, người ta đun mỡ nóng rồi bỏ từng miếng bánh khô vào chảo  chao đến khi bánh phồng to thì vớt ra. Có một điều rất thú vị là khi rán chiếc bánh pẻng khua phồng tròn lên.

Thường cây để lấy tro sẽ đem về phơi khô rồi đốt thành tro dùng dần. Cứ làm 3 cân gạo là 1 bát con tro, đun, lọc lấy nước ngâm gạo.

Nghe qua các khâu thì có vẻ đơn giản, thế nhưng bắt tay vào làm mới thấy hết sự tỉ mỉ, khéo léo đến tinh tế của các bà, các chị để chế biến ra chiếc bánh truyền thống có đủ màu sắc, hương vị đặc trưng, thơm ngon rất riêng.

Video cách làm bánh Cười (Pẻng Khua) Lạng Sơn

Cách chế biến món Pẻng Khua

Thường thì khi rán các loại bánh người ta hay để mỡ nóng già, thế nhưng để rán bánh phồng thì mỡ nóng già quá lại hỏng, bánh không thể phồng lên được. Vì vậy, nên để mỡ hơi ấm ấm, cho bánh vào, để lửa to đều, đảo nhanh tay. Đảo như thế, khi nào mỡ sôi, bánh phồng, tròn đều, thấy vàng vừa mắt thì vớt ra. Làm món bánh này phụ thuộc rất nhiều vào nhiệt độ, khi làm xong một mẻ bánh lại phải đợi mỡ nguội mới làm được mẻ tiếp theo.

Video chi tiết cách chế biến món Pẻng Khua ngày tết

Chiếc bánh pẻng khua khi rán vàng, bỏ ra đĩa ăn có vị ngọt của đường, dẻo thơm của nếp và ruột xốp rất mềm. Khi bạn đã từng thưởng thức qua bạn sẽ không bao giờ quên được hương vị đất trời và tấm lòng mến khách họ đã gửi gắm vào món ăn này.

Lợn quay Lạng Sơn – Món ăn mang tinh hoa, hương rừng xứ lạng

Lợn quay Lạng Sơn – Món ăn mang tinh hoa, hương rừng xứ lạng. Việt Nam là mảnh đất đa dân tộc, đa văn hóa. Trên mảnh đất hình chữ S này mỗi một vùng miền lại có văn hóa, ẩm thực…đặc trưng độc đáo riêng. Lạng Sơn là mảnh đất sinh sống chủ yếu của các dân tộc Tày và Nùng, hai dân tộc này đã có công khai khẩn đất đai vẽ nên hình hài không gian văn hoá tinh thần và vật chất tại Xứ Lạng, vùng đất xa xôi tại vùng biên cương xa xôi Đông Bắc.

Món ăn nổi tiếng lợn quay mác mật

Lạng Sơn là thành phố tiếp giáp với Trung Quốc nên văn hóa nơi đây có một phần tiếp thu và ảnh hưởng từ vùng đất rộng lớn đó. Đặc biệt, phải kể tới sự giao thoa trong ẩm thực. Nếu đã có dịp tới Lạng Sơn, hẳn bạn không thể quên được món vịt quay mắc mật hay thịt lợn quay lá mắc mật nguyên con. Nếu ăn vịt quay, bạn có thể dễ dàng tìm thấy ở các khu vực khác, thì lợn quay nguyên con lại không dễ dàng đến thế. Người ta vẫn nói, ăn lợn quay thì nhớ lên Lạng Sơn là vì vậy.

Với người dân Lạng Sơn, thịt lợn quay không chỉ là món ăn thông thường mà còn là thứ lễ vật bắt buộc trong các dịp lễ, cưới xin, ma chay. Lợn quay thì ở đâu cũng có, ấy thế nhưng ai đã từng ăn thịt lợn quay Lạng Sơn một lần thì đến mấy chục năm sau vẫn nhớ, vẫn thèm.

Lợn quay là món ăn sang trọng hay được sử dụng trong những ngày lễ đặc biệt như liên hoan, sinh nhật, cỗ bàn… Dọc mấy chợ ở Lạng Sơn, hầu như đâu cũng có bán heo quay, chủ yếu là bán theo cân vì lẽ ngày thường, mấy ai mua nguyên con. Nếu bạn muốn mua nguyên con, để cho chắc chắn, tốt nhất nên đặt trước. Hoặc cũng có thể tự mua heo về làm.

Đám cưới của người Lạng Sơn trên bàn thờ không thể thiếu đầu (thủ) lợn quay cúng ông bà tổ tiên, trên mâm cỗ của khách không thể quên đĩa lợn quay nóng hổi thơm nức được thợ quay lợn chặt khéo léo bày lên đĩa.

Vậy món ăn lợn quay Lạng Sơn này sẽ chế biến như thế nào, chuẩn bị nguyên liệu ra sao, chúng ta cùng tìm hiểu nhé.

Nguyên liệu làm lợn quay Lạng Sơn

1 con lợn sữa khoảng dưới 40kg. Chọn lợn sữa vì thịt mềm, da nướng dễ giòn.

Lá mắc mật

Quả móc mật khô

Mật ong (mật ong hay được dùng để tăng màu sắc cho da lợn, tuy nhiên lại giảm độ giòn của da, bạn có thể cân nhắc dùng mật ong hoặc không dùng đều được)

Giấm

Hành, gừng, tỏi. Mắm muối, đường và các loại gia vị cần thiết

LƯU Ý:

việc chọn lợn khi quay rất quan trọng, nên nhớ, lợn quá nhỏ thì nướng xong sẽ vơi nhiều, lợn quá to thì khó ngấm gia vị, dễ trong sống ngoài cháy. Chọn lợn tầm 40kg là ngon nhất.

Nếu lợn to hơn thì phải quay lâu hơn, kỹ thuật phức tạp hơn để đảm bảo bên trong vẫn chín mềm mà bên ngoài không bị cháy. Nếu chọn con nhỏ thì khi quay sẽ bị hao thịt. Phải chọn những con lợn có lông mượt, dày và dài, đó là những con lợn già. chỉ chọn mua lợn của người dân trong làng nuôi bằng ngô, chuối. Nếu lợn nuôi bằng cám tăng trọng mà đem quay thì khi kết hợp với các loại gia vị, thịt quay lên sẽ phảng phất mùi khó chịu.

Việc chọn lơn khi quay rất quan trọng, bạn nên nhớ, lợn quá nhỏ thì nướng xong sẽ vơi nhiều, lợn quá to thì khó ngấm gia vị, dễ trong sống ngoài cháy. Chọn lợn tầm 40kg là ngon nhất. Làm sạch lợn, rồi mổ bỏ nội tạng. Vết mổ chỉ nên bé thôi, khoảng 15 cm, có như thế thì khi khâu bụng lợn lại mới dễ dàng.

Lá mắc mật chọn lá bánh tẻ, rửa sạch bỏ cuộng, chần qua nước sôi để bớt mùi hắc.

Quả mắc mật khô, rửa sạch đun với nước cho sôi khoảng 2-3 phút rồi lấy ra nghiền nhỏ.

Hòa tan hỗn hợp mật ong, giấm, nước theo tỷ lệ 1:2:8, hỗn hợp này giúp màu da lợn sau khi quay rất đẹp mắt.

Hành tỏi, gừng băm nhỏ, xào với dầu ăn cho xém vàng.

Cách làm món Lợn Quay Lạng Sơn

–  Làm sạch lợn, rồi mổ bỏ nội tạng. Vết mổ chỉ nên bé thôi, khoảng 15 cm, có như thế thì khi khâu bụng lợn lại mới dễ dàng.

– Lá mắc mật chọn lá bánh tẻ, rửa sạch bỏ cuộng, chần qua nước sôi để bớt mùi hắc.

– Quả mắc mật khô, rửa sạch đun với nước cho sôi khoảng 2-3 phút rồi lấy ra nghiền nhỏ.

– Hòa tan hỗn hợp mật ong, giấm, nước theo tỷ lệ 1:2:8, hỗn hợp này giúp màu da lợn sau khi quay rất đẹp mắt.

– Hành tỏi, gừng băm nhỏ, xào với dầu ăn cho xém vàng.

Những bí quyết làm nên món đặc sản lợn quay Lạng Sơn

Cách ướp heo quay

Trộn đều bột quả mắc mật vừa xay với hành tỏi đã chiên vàng, thêm gia vị muối mắm, … cho vừa ăn. Cho thêm chút nước để hỗn hợp dễ trộn và quyện vào với nhau.

Hỗn hợp trên quết đều vào trong bụng lợn, xát đều tay để ngấm kỹ vào thịt. Vì quá trình quay khá là lâu, da lợn dày, quan trọng là lợn quay nguyên con nên việc ướp gia vị không hề đơn giản. Thế nên việc ướp gia vị cần “mạnh tay” một chút, đảm bảo gia vị thấm vào từng thớ thịt.

Tiếp đến nhồi hết lá mắc mật vào trong bụng lợn và khâu lại. Lá mắc mật có một mùi thơm cực kỳ đặc biệt, khi nướng âm trong lòng heo, lá sẽ giúp giữ lại chất ngọt từ thịt lợn tiết ra, đồng thời mang lại mùi vị đặc biệt, ngấm vào thịt heo. Đó là lý do tại sao heo quay lá mắc mật lại có hương vị cuốn hút người ăn đến vậy.

Lên màu cho heo quay lá mắc mật

Để đạt được thành phẩm lợn quay có màu sắc bắt mắt mà bạn vẫn nhìn thấy, đòi hỏi sự công phu trong khâu lên màu da. Màu ở đây là màu hoàn toàn tự nhiên, chứ không phải dùng phẩm màu như nhiều người vẫn nghĩ. Quy trình gồm 2 bước:

Lên màu sống: Đây là khâu quan trọng sau khi đã ướp thịt.

Dùng kim nhọn xăm lên da lợn, giúp da nhanh giòn mà còn tạo lỗ thoát khí, tránh da lợn bị nứt.

Lợn phải được lau khô da bên ngoài, xiên qua que tre từ đầu đến cuối, cho lên bếp quay vài vòng cho da lợn khô hoàn toàn, lợn càng khô thì màu càng đẹp, và lợn cũng sẽ ngon hơn. Dùng hỗn hợp mật ong, giấm, nước bôi đều lên da. Chú ý, cọ xát thật mạnh để hỗ hợp thấm qua những lỗ châm, làm càng mạnh tay càng tốt. Ở bước này, bạn có thể dùng khăn để dễ thao tác hơn.

Lên màu chín: Bước quan trọng trong cách làm heo quay

Trong quá trình quay, không được để lửa to, lợn sẽ bị cháy. Vừa quay vừa dùng khăn quấn vào que, nhúng vào hỗn hợp nước màu để chà lại lên da lợn. Chỗ nào ít nhiệt thì càng phải chà nhiều, làm liên tục cho tới khi lợn chín.

Heo quay trong vòng 2 giờ đến 2 giờ rưỡi là được.

Than để quay heo cần gạt ra phía đầu và phía cuối con lơn. Không nên trải than quá nhiều, vì lượng nhiệt lớn sẽ làm heo cháy ngoài sống trong.

Video thịt lợn quay lá mác mật

Cách thưởng thức lợn quay Xứ Lạng

Thường những món quay hay nướng, ăn nhiều ắt dễ gây ngấy. Vì thế mà người Lạng Sơn hay ăn heo quay lá mắc mật với dưa muối. Giống như ngày lễ lạt ăn bánh chưng, thịt đông với dưa góp đó. Dưa chua chua, ngọt nhẹ lại còn mát, một miếng thịt quay, đôi gắp dưa là trọn vị vẹn.
Bạn có thể chấm thịt lợn quay với bát xì dầu hoặc nước chấm tự chế theo sở thích cá nhân mỗi người.
Chúc các bạn thưởng thức ngon miệng !